THƯ GỬI ÔNG SINNETTE

Thư Gửi Ông Sinnett  (tt)

The Mahatma Letters to A.P. Sinnett

Xem Các Bài Trước

Dầu vậy, ấy là lý thuyết đúng, và một trong những cực này quay quanh cực bắc theo chu kỳ mấy trăm năm. Hai thiên văn gia Halley và Flamsteed - ngoài ông Jenkins - là những khoa học gia duy nhất đã có nghi vấn ấy. Câu hỏi của bạn lại được trả lời bằng cách nhắc lại cho bạn một giả dụ khác đã được cho ra. Khoảng ba năm trước ông Jenkins đã gắng hết sức để chứng minh, là đầu bắc của kim địa bàn là cực bắc đúng, mà không phải là mâu thuẫn như lý thuyết khoa học hiện thời nói. Ông được cho hay là chỗ ở Boothia nơi mà Sir James Ross xác định là cực bắc từ lực của trái đất, thì chỉ thuần là tưởng tượng; nó không nằm ở đó. Nếu ông (và chúng tôi) sai, thì ta phải tuyên bố là thuyết về sức hút nam châm nói rằng cực đồng tên đẩy nhau, và cực khác tên thu hút nhau là sai lầm; vì nếu đầu bắc của kim địa bàn là cực nam thì việc nó chúc xuống đất ở Boothia - theo cách bạn gọi - phải là do sức thu hút không ? Và nếu có gì ở đó thu hút nó, tại sao cây kim ở London không chúc xuống đất ở Boothia hay chúc xuống tâm địa cầu ? Lý luận đúng nói rằng nếu cực bắc của cây kim chỉ gần như thẳng góc với mặt đất ở Boothia, giản dị là vì kim bị cực bắc từ lực đúng đẩy ra, khi Sir J. Ross ở đó khoảng nửa thế kỷ trước.
Không, các ‘Tôn Sư’ của chúng tôi không có can dự chi với quán tính của kim. Nó là do sự hiện diện của một số kim loại hòa tan vào nhau ở nơi ấy. Nhiệt độ gia tăng làm giảm sức thu hút từ tính, và nhiệt độ cao đủ mức sẽ đôi khi hủy bỏ điều ấy hoàn toàn. Nhiệt độ mà tôi nói tới đây trong trường hợp này là hào quang, sự phát tỏa hơn là bất cứ điều gì khoa học biết. Tự nhiên là cách giải thích này không sao chấp nhận được với hiểu biết đương thời của khoa học. Nhưng ta hãy chờ xem. Hãy nghiên cứu từ lực với sự trợ giúp của triết lý huyền bí, và rồi điều chi mà nay có vẻ không hiểu được, quái lạ theo khoa học vật chất, sẽ trở nên sáng tỏ mọi bề.

Hỏi 14. Còn có hành tinh nào khác - ngoài những  cái mà khoa thiên văn đương thời đã biết rồi -  mà ta có thể dùng dụng cụ vật chất khám phá nếu được chỉ dẫn đúng cách ? (Tôi không muốn nói đến các tiểu hành tinh planetoid)
Đáp 14. Phải có chứ.Người ta chưa tìm ra hết các hành tinh bên trong Mercury lẫn những hành tinh thuộc quỹ đạo của Neptune, tuy có nghi ngờ mạnh mẽ. Chúng tôi biết có những  hành tinh như vậy, và chúng nằm ở đâu; và có vô số hành tinh họ gọi là ‘suy tàn - burnt out’, còn chúng tôi gọi là chìm khuất- obscuration; và có những  hành tinh đang thành hình chưa chói sáng v.v. Nhưng điều chúng tôi biết thì không có ích gì mấy cho khoa học, khi người theo Thông linh học sẽ không chấp nhận hiểu biết của chúng tôi.
Máy đo mức thay đổi nhiệt độ - tasimeter của Thomas Edison khi được điều chỉnh tới mức nhậy bén nhất, và gắn vào một viễn vọng kính lớn có thể giúp ích nhiều, khi hoàn bị. Khi gắn như vậy, máy sẽ không những có thể đo nhiệt của ngôi sao thấy được ở xa nhất, mà còn khám phá những ngôi sao không thấy được và do đó không tìm ra được - nhờ vào sức tỏa nhiệt vô hình của nó - , và do đó tìm ra được luôn cả những hành tinh.
Người sáng chế ra máy, Thomas Edison, là một hội viên hội TTH được đức M. che chở kỹ, cho rằng nếu ở bất cứ điểm trống không nào trong không gian - khoảng không gian xem ra trống vắng ngay cả với kính viễn vọng cực mạnh - máy đo này cho biết có nhiệt độ và luôn đưa ra ghi nhận ấy, thì đó là chứng cớ rằng dụng cụ khám phá ra thiên thể hoặc không tỏa sáng hoặc quá xa ở ngoài tầm thấy được của kính.
Ông nói máy của mình ‘bị tầm rộng lớn về sự thay đổi của ether - nhiều hơn mắt thường nhận biết -  chi phối’. Khoa học sẽ nghe âm thanh từ một số hành tinh trước khi thấy được chúng. Đây là lời tiên tri. (Lời này được chứng thực qua khoa Radio Astronomy và việc khám phá quasars). Không may là tôi không phải là một hành tinh, càng không phải là ai lo về hành tinh. Bằng không tôi sẽ khuyên bạn xin ông một máy như thế, tránh cho tôi chuyện viết thư cho bạn. Nếu được vậy tôi sẽ làm cho mình hòa nhịp với bạn.

Những  ý mà ông Sinnett trích ra trong các câu hỏi sau nằm trong thư 70C, và thư 85B cho thêm giải thích, nên bạn có thể đọc lại hai thư này trước khi bắt qua phần dưới đây.

Hỏi 15. Khi ngài viết ‘Bạn có kinh nghiệm tính đơn điệu vào phút mà khi này rồi khi khác bạn xem đó như là sự an lạc nhất đã từng biết không ?’ Ngài muốn nói tới bất cứ giây phút hay biến cố đặc biệt nào trong đời tôi, hay chỉ nói tới điều X, là bất cứ giây phút nào hạnh phúc nhất.
Đáp 15. Không, bạn tốt à, tôi không hớ hênh như vậy đâu, tôi để yên bạn với các hồi ức của mình. Mỗi người phàm, dù bất hạnh thế mấy, có những phút tương đối hạnh phúc như vậy vào một lúc nào đó trong đời họ. Sao bạn lại không được có chứ ?
Phải, tôi muốn nói tới điều X.

Hỏi 16. Ngài nói: ’Xin nhớ rằng ta tự tạo cho mình cõi Devachan và cõi A Tỳ, và phần lớn trong những  ngày cuối và ngay cả những  phút trong đời của ta’.
Đáp 16. Có một niềm tin lan truyền rộng rãi trong mọi người Ấn, là ham muốn chót của họ vào lúc chết sẽ đặt để tương lai, và việc sinh ra của họ cho kiếp mai sau. Nhưng ao ước cuối cùng này, họ nói, nhất thiết liên hệ với tính chất họ nhuộm mầu các ao ước, đam mê v.v. trong lúc sống. Chính vì lý do ấy - là ao ước chót của ta có thể không thuận lợi cho tiến bộ tương lai - mà ta phải canh giữ hành động và kềm chế si mê cùng dục vọng của mình trong suốt quãng đời dưới thế.

Hỏi 17.  Nhưng có nhất thiết là các tư tưởng mà cái trí có thể có vào phút cuối, phải tùy thuộc vào đặc tính nổi bật của nó trong đời vừa qua ? Bằng không có vẻ như tính chất của cõi Devachan và cõi A Tỳ của một ai, có thể được ấn định không công bình và thất thường, do may rủi tùy theo tư tưởng nào đó nổi bật nhất vào phút cuối ?
Đáp 17. Chuyện không thể khác hơn được. Kinh nghiệm của ai sắp chết - bị chết chìm hay tai nạn gì khác - được cứu sống, đã chứng thực triết lý của chúng tôi gần như trong từng trường hợp. Các như vậy không tự ý mà có, và ta không thể kiểm soát được chúng gì hơn như kiểm soát võng mô của mắt, ngăn không cho nó cảm nhận mầu nào tác động lên nó nhiều nhất.
Vào phút cuối, trọn cuộc đời được phản chiếu lại trong ký ức của ta, và từ những  hốc, xó đã quên hiện ra hình này rồi hình kia, cảnh này sau cảnh nọ. Não bộ sắp chết khơi lại hồi ức với động lực cực mạnh, và ký ức tái tạo trở lại trung thực mỗi ấn tượng nó đã giữ trong khoảng não sinh hoạt.  Ấn tượng và tư tưởng nào mạnh nhất tự nhiên sẽ sống động nhất, và tồn tại trong khi tất cả những gì khác giờ đã tan rã và biến đi mãi mãi, chỉ tái hiện trở lại trong cõi Devachan (Ai chà ! Nếu trong lúc hấp tấp tôi quên thêm sáu chữ chót, hẳn tôi sẽ bị cáo buộc là tự nói mâu thuẫn mình !).
Không ai chết mà khùng điên hay vô thức - như vài sinh lý gia khẳng định. Ngay cả một người điên, hay ai bị động kinh, mê sảng cũng sẽ có giây phút đột nhiên tỉnh táo hoàn toàn vào lúc chết, tuy không thể nói được như vậy với ai hiện diện. Trông họ có vẻ như đã chết. Nhưng từ lần đập cuối, từ và giữa nhịp đập chót của tim và giây phút mà tia thân nhiệt chót rời cơ thể - não bộ suy nghĩ và Chân nhân trong những  giây phút ngắn ngủi đó sống trở lại lần nữa trọn quãng đời của mình.
Thế nên, hỡi bạn, hãy nói thì thầm những  ai đứng giúp quanh giường kẻ hấp hối, và thấy mình đối mặt với Sự Tử nghiêm trang. Bạn đặc biệt phải giữ yên lặng ngay sau khi thân xác chết đi. Tôi xin bạn hãy nói nhỏ giọng để không làm xáo trộn sự yên tĩnh của tư tưởng lan ra, và ngăn trở công việc bận rộn của Quá khứ đang phản chiếu lên Màn che của Tương lai.

Hỏi 18. Việc nhớ lại hoàn toàn những kiếp của chúng ta chỉ đến vào cuối ‘chu kỳ nhỏ’. ‘Chu kỳ nhỏ’ này có nghĩa là một cuộc tuần hoàn (Round), hay là trọn thời kỳ linh hoạt Manvantara của chuỗi hành tinh của chúng ta ? Có nghĩa là ta nhớ lại trong cõi Devachan của bầu chót vào cuối mỗi cuộc tuần hoàn những kiếp đã qua của mình, hay chỉ vào cuối cuộc tuần hoàn thứ bẩy ?
Đáp 18. Đúng, việc nhớ lại ‘hoàn toàn’ những  kiếp của ta (hết các kiếp) sẽ trở lại vào cuối của trọn bẩy Cuộc tuần hoàn, trước thềm Nirvana dài, rất dài chờ đợi ta sau khi ta rời bầu cuối cùng. Ở cuối mỗi cuộc tuần hoàn riêng biệt, ta chỉ nhớ lại tổng số ấn tượng chót của ta, những điều mà ta chọn lọc, hay đúng hơn là những gì chọn đến với ta và cùng ta đi vào cõi Devachan. … Vào cuối chu kỳ nhỏ, sau khi xong cả bẩy Cuộc tuần hoàn, không có sự thương xót nào chờ ta ngoài những việc lành, công đức, vượt trội hành động ác và lầm lỗi trên cân bù trừ của công lý.
Phàm nhân hẳn phải rất xấu không cứu vãn được khi không có chút công đức nào từ nguyên lý thứ năm của nó, và phải bị tiêu tán, biến mất vào bầu thứ tám. Như đã nói, một điều lành nhỏ của phàm nhân là đủ để cứu người ta khỏi Số Mạng kinh khiếp ấy. Chuyện không xẩy ra như vậy sau khi một đại chu kỳ hoàn tất, hoặc đó là một Nirvana dài đầy Phúc lạc (tuy vô thức theo quan niệm của bạn) và sau đó là sống đời như một vị Dhyan Chohan trong trọn thời kỳ linh hoạt hay Manvantara; hoặc là ‘ngục A Tỳ Avitchi’ và thời kỳ linh hoạt Manvantara khổ nàn và ghê sợ như là một … bạn phải không được nghe chữ này cũng như là tôi không nói ra hay viết chữ đó. Nhưng các điều ấy không can dự chi với người phàm đi qua bẩy bầu. Karma tổng cộng của một đấng cai quản hành tinh thì đẹp đẽ tựa như Karma tổng cộng của một …thì đáng sợ vậy. Đủ rồi. Tôi đã nói quá nhiều rồi.

Hỏi 19. Ngài nói: ‘Ngay cả vỏ của những  người tốt lành mà cuốn sách đời của họ không thiếu trang, ngay cả họ sẽ chỉ có lại sự hồi nhớ và ngã thức sau khi hai nguyên lý thứ sáu và bẩy cùng tinh hoa của nguyên lý thứ năm đã đi vào cõi Devachan’.
Đáp 19. Đúng vậy. Cho tới khi có sự tranh chấp xẩy ra giữa hai phần : phần cao và phần giữa (cái sau muốn nói hạ trí và tình cảm) (với ngoại lệ là ai tự tử vì họ không chết mà chỉ giết xác thân của tam thể hạ, và do vậy không tự nhiên tách lìa với Chân nhân như khi chết thực) - cho tới khi sự tranh dành đó khởi sự và kết thúc, tôi nói là chưa có hiện tượng vỏ. Khi nguyên lý thứ sáu (Bồ đề tâm) và bẩy (Atma) đã rút về, mang theo với chúng phần tinh thần thanh bai hơn và vốn là tâm thức cá nhân của nguyên lý thứ năm (hạ trí), thì chỉ khi ấy vỏ mới dần dần nẩy sinh một loại tâm thức mù mờ riêng cho nó từ những gì còn lại trong bóng mờ của cá tính. Không có gì trái ngược ở đây cả, bạn à - chỉ có sự mù mờ trong nhận thức của bạn.

Hỏi 20. Ít lâu sau là đoạn ‘Dù phàm nhân tốt, xấu hay trung bình, ý thức của nó rời nó đột ngột như ngọn lửa rời ngọn bấc, quan năng nhận thức của nó mất đi mãi mãi’. (Thì sao ? Não bộ vật chất một khi đã chết có thể vẫn còn quan năng nhận thức không ? Điều chi nhận thức trong vỏ là điều biết nhận thức nhờ ánh sáng đi mượn hay phản chiếu. Xin đọc lời đáp.)
Vậy bản chất của sự hồi nhớ và ngã thức của vỏ là gì ? Nó là điều mà tôi hay nghĩ tới, muốn có giải thích thêm về tính cách cá nhân của vỏ.
Đáp 20. Tất cả những điều ấy thuộc về tính chất tâm lý - vật chất và cảm giác của năm ngũ uẩn thấp; tất cả chúng sẽ được loại bỏ như là rác thải khi Chân nhân khởi bước vào cõi Devachan, vì không xứng đáng, và không đủ liên hệ với nhận thức, tình cảm và cảm xúc thuần tinh thần, của nguyên lý thứ sáu, được củng cố và đúc lại bằng một phần của nguyên lý thứ năm, phần cần vào Devachan để duy trì cảm tưởng thiêng liêng được tinh thần hóa của cái ‘Tôi’ trong Chân thần - bằng không nó sẽ không có tâm thức liên can gì đến ‘khách thể’ và ‘chủ thể’ chi hết - tất cả những điều này ‘trở thành tiêu tan mãi mãi’, có nghĩa vào lúc thân xác chết đi, trở lại một lần nữa, trước mắt của Chân nhân mới trước thềm Devachan và bị Nó loại bỏ.
Nó sẽ trở lại lần thứ ba, đầy đủ vào cuối chu kỳ nhỏ, sau khi hoàn tất bẩy Cuộc tuần hoàn, lúc có cân nhắc tổng sốnhững  kiếp sống, ‘công đức’ trên một đĩa cân và ‘lầm lỗi’ ở đĩa bên kia. Nhưng trong cá nhân ấy, trong Chân nhân - tốt, xấu, lưng chừng trong phàm nhân cô lập - tâm thức bỏ đi đột ngột như ‘ngọn lửa rời tim nến’. Này bạn, thổi tắt cây nến đi. Ngọn lửa rời bỏ cây nến ấy ‘mãi mãi’. Nhưng cái phần di động, sự chuyển động của nó sinh ra ngọn lửa khách thể, có vì vậy mà bị tiêu tan hay phân tán ? Không bao giờ. Mồi lại nến cho cháy và cũng y những  phần đó sẽ quay lại sợi bấc, bị thu hút do ái tính chung.
Hãy đặt một hàng dài những cây nến trên bàn.Thắp một ngọn nến rồi thổi tắt nó; xong thắp cây nến khác và làm y vậy; rồi cây thứ ba, thứ tư tiếp tục. Cùng vật chất, cùng những  hạt chất hơi - trong trường hợp của ta tượng trưng cho Karma của phàm nhân - sẽ bị điều kiện mà que diêm của bạn gây ra kêu gọi về, để sinh ra ánh sáng mới, nhưng ta có thể nói là ngọn nến số 1 có ánh lửa tiêu tán mãi mãi không ? Ngay cả trong trường hợp là ‘thất bại của thiên nhiên’, tức sự tái sinh lập tức của trẻ con và người bẩm sinh khờ dại v.v. mà làm C.C.M. giận dữ, ta cũng không thể gọi đó là cùng phàm nhân khi trước; tuy việc trọn nguyên lý sống và Manas y hệt (nguyên lý thứ năm) vào trở lại một thân xác mới, và có thể được gọi đúng thực là sự ‘tái sinh của phàm nhân’- trong khi đó với sự tái sinh của Chân nhân khi ra khỏi Devachan và cõi A Tỳ vào kiếp mới theo nhân quả, chỉ có những  đặc tính tinh thần của Chân thần và Buddhi là tái sinh.
Tất cả gì ta có thể nói về các ‘thất bại’ được tái sinh, là chúng là Manas được tái sinh, nguyên lý thứ năm của ông S. và cô G. Vì vậy, lời giải thích, rõ ràng và gọn ghẽ (tuy có lẽ ít văn chương hơn bạn viết) cho C.C.M., đăng trên tờ Theosophist để trả lời bài viết hằn học của ông trên tạp chí Light, không những  đúng mà cũng ngay thẳng, và cả bạn với C.C.M. không công bình với Upasika (tức HPB) và luôn cả với tôi là người kêu bà viết những  gì; vì ngay cả bạn hiểu lầm lời than vãn và tiếc nuối của tôi về những giải thích lộn xộn và vòng vo trong bộ Isis (vì không ai ngoài chúng tôi, những người gợi hứng cho bà, là kẻ chịu trách nhiệm về sự không trọn vẹn của sách), và lời phàn nàn của tôi là đã vận dụng hết mức ‘khéo léo -ingenuity’ của mình để làm sự việc giản dị, vì lời thú nhận ‘xoay sở - ingeniousness’ gợi ý mánh lới và tiểu xảo, còn thực ra tôi muốn nói ‘ingenuousness’ là ý thành thật (tuy rất khó thực hiện) muốn hàn gắn và chỉnh lại ngộ nhận. Tôi không biết ngay từ lúc ban đầu, của việc trao đổi thư từ giữa chúng ta có gì đã làm ngài Chohan không vui như thế. Nhưng ta phải không quay lại đề tài này nữa.
Nhưng bạn hỏi ‘Bản chất của sự hồi nhớ và ngã thức của vỏ là gì ?’ Như tôi đã nói trong bài ghi cho bạn - không gì hơn là ánh sáng phản chiếu hay ánh sáng đi mượn. ‘Ký ức’ là một chuyện, và ‘quan năng nhận thức’ lại là chuyện khác hẳn. Một người điên có thể nhớ rất rõ vài phần trong đoạn đời trước đây của họ; nhưng họ không thể nhận thức điều gì theo đúng nghĩa của nó, vì phần cao của ManasBuddhi bị tê liệt trong người họ, đã rời bỏ họ rồi.
Nếu con vật, thí dụ con chó, biết nói, nó sẽ tỏ cho bạn thấy là cái ký ức của nó có liên hệ trực tiếp với phàm ngã chó của nó thì mới y như ký ức của bạn vậy; tuy nhiên ký ức và bản năng của nó không thể được gọi là ‘quan năng nhận thức’. Con chó nhớ là chủ đã phết nó khi thấy chủ cầm cây gậy, vào trọn những  lúc khác nó không nhớ gì tới việc ấy. Chuyện y hệt như vậy với vỏ; một khi ở trong hào quang của người đồng, tất cả những  gì vỏ cảm nhận được qua bộ phận mượn của người đồng và của những ai có cảm ứng từ với người này, vỏ sẽ nhận thức rất rõ - nhưng vỏ không nhận biết gì hơn những điều nó có thể tìm thấy trong quan năng nhận thức và hồi ức của vòng khách tới dự và người đồng; do vậy đôi khi có câu trả lời hợp lý và có lúc có câu đáp thông minh cao độ; và cũng vì thế có lúc nó hoàn toàn không biết chuyện mà ai cũng rành, chỉ trừ người đồng ấy và nhóm khách dự.
Vỏ của ai thông minh cao độ, học thức, mà tuyệt không có chút tinh thần, chết tự nhiên, sẽ tồn tại lâu hơn, và bóng mờ nhạt của ký ức họ phụ giúp vào - bóng mờ này là phần bỏ lại của nguyên lý thứ sáu nằm trong nguyên lý thứ năm (trí) - vỏ có thể thuyết giảng qua người đồng mê man, và lập lại như két những  gì mà họ đã biết và suy gẫm nhiều về chuyện đó trong lúc còn sống trên trần. Nhưng hãy thử tìm cho tôi chỉ một trường hợp trong tài liệu của phong trào Thông linh học, mà cái vỏ của Faraday hay Brewster trở về (vì ngay cả người theo Thông linh học cũng để mình rơi vào bẫy là sức thu hút của người đồng), nói được một chữ hơn là nó biết trong lúc còn sống.
Cái vỏ khoa học ấy ở đâu, cái luôn đưa ra bằng chứng nói rằng nó đại diện cho ‘Hồn đã khuất’, tức là Linh hồn tự do, cái Hồn thoát khỏi trói buộc của thân xác, cảm nhận và thấy những  gì  mà mắt phàm không thấy được ? Tôi xin nói, hãy thách đố không sợ hãi người theo Thông linh học ! Hãy thách thức người đồng giỏi nhất, đáng tin nhất thí dụ như Stainton Moses (S.M.), qua cái vỏ mà ông lầm tưởng là nhân vật ‘Imperator’ vào những  ngày đầu lúc ông mới vào thuật đồng cốt, nói cho bạn biết vật bạn dấu trong hộp mà S.M. không biết, là gì; hay nhắc lại cho bạn nghe một hàng trong văn bản tiếng Phạn mà người đồng không biết, hay bất cứ gì như vậy.
Pro pudore ! (Thật đáng xấu hổ !) Họ gọi đó là các Hồn ư ? Hồn với hồi ức cá nhân ? Vậy cũng nên cho rằng những câu mà con vẹt thốt lên là hồi ức cá nhân. Sao bạn không kêu C.C.M. thử + (một vỏ liên lạc qua người đồng) ? Sao không thử để chuyện giải quyết làm bạn và ông được yên lòng bằng cách đề nghị với ông là mời một người bạn hay thân hữu -  mà S.M. không quen biết - chọn một vật mà C.C.M. không biết, và rồi xem + có thể nói tên vật ấy, chuyện mà ai có thông nhãn giỏi dang có thể làm được.

(còn tiếp)